ĐẾM NGÓN CHÂN MÌNH
Đem dấu chân soi dưới vệt vân vi
Gót nứt nẻ, thêm tâm hồn cũng thế
Thua thiệt buồn so, thắng cười hả hể
Địa ngục là đây nên đích thị thiên đàng
Thưa ai người chưa mãn cuộc cư tang
Đừng nước mắt e hân hoan quá vội
Lắm thánh thiện chẳng hiềm phần tội lỗi
Mượn thi ca đánh đổi ngụ ngôn lời
Nói thật tình chỉ cỏ đáng xanh tươi
Em với tôi tránh khỏi sao héo úa
May vẫn được bình đẳng quyền hít thở
Đếm chân mình mười ngón khéo thừa ra
Tôi chưa bao giờ biết phân tích cũng như bình thơ của người khác. Quả thật mang một bài thơ ra để mổ xẻ thì hình như luôn là một việc thừa vì cùng một bài thơ mỗi người cảm nhận theo một góc nhìn và một rung cảm khác nhau. Có lần tôi đã tranh luận cùng một người bạn với câu hỏi thế nào một bài được gọi là thơ. Người bạn đó đã khẳng định là có hai loại một là thơ hai là không phải thơ, chứ không chấp nhận cái gọi là vần vần, vè vè thì gọi là thơ. Cái đầu tiên để có thể khẳng định có phải là một bài thơ hay không phải có đủ bốn yếu tố : cảm - tứ - mỹ - vần rồi mới đến các yếu tố khác.
Cái đầu tiên và cẩn phải có ở một bài thơ phải là cảm, vì nếu đọc một bài thơ xong mà không làm cho người đọc khóc hoặc cười hay chí ít cũng là một cái nhăn trán hay một tiếng thở dài thì chưa thể gọi là một bài thơ. Có thể một bài thơ hay chỉ cần có cảm là đủ, có thể chỉ với vài ba câu cảm xúc vu vơ chẳng mang nội dung gì vẫn có thể gọi là một bài thơ.Thứ đến là tứ, có nghĩa là nội dung mà bài thơ muốn đề cập. Một bài thơ hay thường mang một ý tứ sâu sắc, một ý tưởng mới mẻ, một góc nhìn đẹp nhất, như một họa sĩ chọn cảnh, chọn hình rồi mới thể hiện là mầu sắc là ánh sáng, đường nét...đó chính là mỹ, trong bài thơ hay bao giờ cũng đi kèm với cái gọi là đẹp. Cái cuối cùng để hoàn chỉnh để có một bài thơ là vần, tuy rất quan trọng vì với một bài thơ nếu không có vần thì hình như khó có thể là một bài thơ hay nhưng đôi khi có những bài thơ rất tuyệt lại chẳng vần tý nào. Thế nên vần đứng hàng thứ tư nhưng đôi khi lại là đứng hàng thứ nhất vì có những thể loại thơ không đúng vần luật thì không thể gọi là thơ: VD như thơ lục bát, thơ đường luật...
Ơ!, mà tự nhiên tôi lại lý sự linh tinh dài dòng thế này. Tôi đang chỉ định viết mấy dòng về một bài thơ mà tôi rất thích, nhưng tôi không biết là mình có thể đã hiểu đúng nội dung cũng như là cảm xúc của bài thơ không nữa, vì hình như mỗi lần đọc cảm xúc của tôi về bài thơ lại khác nhau.
Lần đầu tiên đọc bài thơ này tôi không có cảm xúc gì nhiều ngoài một cảm giác thích thích rất mơ hồ mà tính triết lý, từ ngữ và hình ảnh mới lạ của bài thơ đem lại. Tôi đã mỉm cười khi tưởng tượng ra cái vết đấu chân với câu hỏi sao lại là vết dấu chân mà không phải là dấu vân tay được lưu lại trong tấm chứng minh thư có nghĩa là chứng nhận một con người tồn tại trong đời
" Đem dấu chân soi dưới vệt vân vi..."
Lần thứ hai tôi đọc bài thơ này với một hoàn cảnh hoàn toàn khác, đó là khi tôi đang bị ném đá trong tiếng cười hả hê của người khác, tôi đã khóc khi đọc bài thơ này và tôi mới hiểu điều mà tác giả bài thơ muốn nói:" Ai đi qua cuộc đời cũng sẽ để lại một dấu chân". Dấu chân in hằn những trầm luân của một đời người, nó cũng gần giống những con sông vẽ lên những hình hài trên mặt đất mang đầy đủ những dấu ấn buồn vui.
"...Gót nứt nẻ thêm tâm hồn cũng thế..."
Đó là điều chiêm nghiệm, tự thú hay là tiếng thở dài. Đáng lẽ sau câu thơ này không phải là một mà là phải có tới ba cái dấu chấm than. Cái hình ảnh nứt nẻ nó gắn liền với sự khô hạn nhưng ở đây hình như không phải là tâm hồn khô héo mà dường như là cái đau khi tâm hồn với những vết thương toang hoác không thể chữa lành.
"...Thua thiệt buồn so, thắng cười hả hể
Địa ngục là đây nên đích thị thiên đàng..."
Bản ngã của con người là luôn hướng thiện, luôn muốn đi một con đường thẳng nhất để đến đích, một con đường trải hương hoa hay thảm đỏ. Nhưng cũng không ít con đường chông gai gập ghềnh mà không muốn con người ta vẫn phải bước chân vào và không tránh khỏi những lúc so đo, ganh đua, tị hiềm... đi kèm với những dối trá nhỏ nhen, ích kỷ....Nên : "địa ngục là đây...". Đúng là địa ngục, đôi lúc cái không khí hít thở dường như cũng thiếu, thế nên thật chí lý khi tác giả khẳng định: " Địa ngục là đây nên đích thị thiên đàng...". Vì ngay chính cái địa ngục với đôi khi cả là sự độc ác, là đau đớn đến cùng cực thì đi qua đó với đủ trầm luân và khổ ải thì đó chính là thiên đàng ở cõi người. Có người nói thiên đàng và địa ngục cách nhau có sợi tóc, có người nói đi qua địa ngục thì mới tới được thiên đàng nhưng tác giả bài thơ khẳng định địa ngục chính là thiên đàng. Chí lý, quá chí lý... rất OK với cách nhìn nhận này ... hihi.
"...Thưa ai người chưa mãn cuộc cư tang
Đừng nước mắt e hân hoan quá vội
Lắm thánh thiện chẳng hiềm phần tội lỗi
Mượn thi ca đánh đổi ngụ ngôn lời..."
Ai chưa đi qua hết cuộc đời dâu bể, chưa nếm đủ mọi trầm luân hay nói cách khác là chưa trầy trụa nơi cõi người (Địa ngục) thì chưa thể nói tài, nói giỏi. Có thể những hòn đá nơi trần thế cũng như những hình phạt ghê rợn dưới địa ngục lại làm giúp ích cho con người ta nhìn nhận ra thiên đường rõ nhất
"Đừng vội cười " - người ta thường nói vậy. Nhưng dường như ở đây tác giả đảo câu. Tôi cũng không rõ ngụ ý gì nhưng quả thực tôi rất thích mà chẳng hiểu vì sao : '' ...Đừng nước mắt e hân hoan quá vội..." tôi cứ cảm giác đó như là lời an ủi, lời sẻ chia: "đừng khóc, đừng khóc... cuộc đời vốn vậy mà...". Vì vậy tôi mới hiểu vì sao khi buồn tôi hay giở thơ anh ra đọc vì luôn tìm thấy một chút ủi an dẫu rất nhẹ nhàng.
Ai chưa qua hết cuộc đời khổ ải thì đừng cao ngạo vỗ ngực ta đây, đừng cho mình là cái rốn của vũ trụ cũng như là coi mình là hiền nhân vì cuộc đời luôn thử thách, ngày hôm nay đâu phải hôm qua, ai dám chắc mình sẽ không lầm lỗi, ai dám đảm bảo mình không bao giờ phạm tội. Vậy thì đừng lấp liếm làm gì, đừng mang những lời đường mật hòng che đậy :
"... Lắm thánh thiện chẳng hiềm phần tội lỗi
Mượn thi ca đánh đổi ngụ ngôn lời..."
Cửa thiên đàng mở rộng với các thiên thần nhưng cũng mở rộng với các tội đồ lầm lạc biết quay đầu hướng thiện kia mà. Vậy thì hãy sống thật hết với chính con người mình với một bản ngã luôn hướng thiện đúng không anh.
"....Nói thật tình chỉ cỏ đáng xanh tươi
Em với tôi tránh khỏi sao héo úa
May vẫn được bình đẳng quyền hít thở
Đếm chân mình mười ngón khéo thừa ra..."
Tôi lại bật cười vì cái tính triết lý hay cái lý sự người mèo, nhưng lại rất thật và rất đúng với hình ảnh liên tưởng mang tính quy luật. Hình ảnh và tính triết lý đó là cái hay và rất ấn tượng trong bài thơ này, có những quy luật như chân lý là cái lý có chân luôn quanh quẩn và hiện hữu trong bất cứ vật thể tồn tại nào đó.
" Nói thật tình..." một câu giãi bày hay một câu cảm thán, mang sự tiếc nuối bởi cái hình ảnh xanh tươi. Ừ, đã có một ngày tình yêu kia đã ngát xanh và hơn thế, có một ngày hai ta đã cùng tin tưởng vào sự vĩnh cửu. Tình yêu vốn thế có phải không anh nhưng sao đọc câu " em với tôi..." vẫn thấy phần chua chát , hình như điều đó được lý giải ở câu dưới : " May vẫn được bình đẳng quyền hít thở...". Dưới vòm trời này có ai bị tước mất quyền đó đâu nhưng đôi khi sự khác biệt cũng là những rào chắn mà không phải ai cũng vượt qua được, bởi cái tự ái và tự trọng cũng gần giống nhau. Thường khi thất tình người ta hay đổ lỗi cho ... người kia hay chí ít cũng là ngoại cảnh chứ mấy ai lại mang mình ra mà ...soi xem những khiếm khuyết của mình mặc cho nỗi đau toang hoác cả tâm hồn. Tôi còn nhớ anh có câu thơ nói rằng có nỗi thất tình mang tên ngạo nghễ nay thì mới chợt hiểu nó ra sao
"...Đếm chân mình mười ngón khéo thừa ra..."
Đếm ngón chân ...mình, cái từ mình ở đây như sự tự nhắc nhở chính mình chứ không phải là sự cao đạo dạy bảo người khác. Thơ của anh bao giờ cũng vậy như chính tính cách của anh không khoa trương, không đao to búa lớn, chỉ nhẹ nhàng khoan hòa mà sâu sắc. Dường như khi học nhiều hiểu rộng con người ta lại luôn khiêm nhường và độ lượng như dòng sông lắng lại những hạt vàng. Tôi rất thích một câu của KDP : " cái tột cùng của chảy là lắng". Đúng là như vậy.
Tôi vô cùng thích thú với câu kết này. Người ta không ai nhìn thấy gáy của mình cũng như không nhìn thấy mặt xấu của chính mình nên có mấy ai đem dấu chân mình ra mà soi, lại soi rất kỹ từng vệt vân vi như thế, và cuối cùng là lại một cái thở dài :" ... khéo thừa ra...". Thực ra tôi cũng phân vân không biết ý tác giả muốn nói tới sự tự cao, tự đại dẫn đến thấy mình cái gì cũng nhất, cũng hơn người nên sẽ đếm thấy mình có mười một, mười hai thậm chí hơn nữa số lượng ngón chân, hay là muốn nói đến tâm hồn khuyết tật, với con người sự thừa mộ bộ phận nào đó cũng là khuyếm khuyết của cơ thể. dù bất kỳ với ý nghĩa nào thì cũng đều sâu sắc và trào lộng, một câu kết thật đáng giá.
Tôi chưa bình thơ ai bao giờ, chỉ là rất thích bài thơ này của anh nên mạo muội ghi mấy dòng cảm hứng. tôi không thể tìm lại anh để hỏi anh xem tôi hiểu bài thơ anh viết như vậy có đúng không, tôi cũng không thể xin phép anh cho tôi đăng bài viết này, thôi thì xin anh hai chữ đại xá. Đó cũng là một cách tri ân của tôi với anh, người mà tôi hay gọi là huynh ấy mặc dù chẳng biết tên thật của anh là gì. thôi đành anh nhỉ, sống ở đời đôi khi gặp nhau ở chữ duyên
Một lần nữa cho tôi được cám ơn anh người đã luôn an ủi tôi những khi tôi buồn nhất